FTA Việt Nam – EU: Cơ hội và thách thức cho DN Việt

Bên thềm Hội nghị kinh tế ASEAN – EU lần thứ 11 tại Phnôm Penh tháng 3 vừa rồi, Cao ủy Thương mại EU Karel De Gucht và Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã thống nhất những công việc chuẩn bị để bắt đầu các vòng đàm phán cho Hiệp định Thương mại tự do song phương (FTA) giữa EU và Việt Nam.

Những vòng đàm phán này sẽ bao gồm một loạt vấn đề lớn như xóa bỏ thuế quan nhập khẩu, thương mại dịch vụ, thương mại phi thuế quan (như các rào cản kỹ thuật và các quy định đối với hàng lương thực thực phẩm).
fta-viet-nam-eu-co-hoi-va-thach-thuc-cho-dn-viet

Ông Jean Jacques Bouflet, Tham tán Công sứ Phái đoàn EU tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo “Nâng tầm quan hệt thương mại Việt Nam – EU, viễn cảnh Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU”
Vào năm 2011, thương mại hàng hóa giữa EU và Việt Nam đạt 18 tỷ euro, với gần 13 tỷ euro xuất khẩu từ Việt Nam sang EU, mang lại 7,6 tỷ euro thặng dư thương mại cho Việt Nam. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam bao gồm giày da, dệt may, cà phê, thủy sản, đồ nội thất da; trong khi EU xuất khẩu chủ yếu là các sản phẩm công nghệ cao như máy móc, thiết bị điện, máy bay, ô tô, xe máy, dược phẩm, sắt và thép.
Đạt được thoản thuận FTA với EU chắc chắn sẽ mở ra không ít cơ hội, nhưng đồng thời cũng đem lại nhiều thách thức cho doanh nghiệp Việt.
Thông qua FTA, EU cũng kỳ vọng vào việc đẩy mạnh xuất khẩu vào Việt Nam; thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam hướng mục tiêu tới ASEAN và các quốc gia châu Á khác; tạo thêm cơ hội tiếp cận thị trường cho các nhà đầu tư và cung cấp dịch vụ của EU; đảm bảo việc tôn trọng các quyền sở hữu trí tuệ; thúc đẩy các chính sách phi kinh tế…
Trong những năm gần đây, chính sách của EU đối với Việt Nam dù đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa có nhiều ưu đãi như chính sách EU dành cho nhóm nước ACP – những nước đang có Hiệp định đối tác chiến lược – thuế, các nước chậm phát triển (những quốc gia nhận GSP – Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập với mức thuế 0% với hầu hết các mặt hàng). Trong khối ASEAN, EU dành nhiều ưu đãi hơn cho 5 nước phát triển là Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philipines – những nước được EU công nhận là có nền kinh tế thị trường.
Trong giai đoạn 2011 – 2013, Việt Nam vẫn được hưởng GSP với mức thuế giảm trung bình 3,5 điểm phần trăm (trừ hàng hóa thuộc mục XII), với tỷ trọng mặt hàng đang được hưởng GSP là khoảng 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU.
Tại hội thảo “Nâng tầm quan hệt thương mại Việt Nam – EU, viễn cảnh Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU” do Phái đoàn EU tại Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 18/5 tại TP.HCM, ông Trần Ngọc Quân – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu cho biết: “Sau khi ký FTA, các ngành có hàm lượng chế biến cao sẽ có ưu thế khi thuế xuất khẩu của Việt Nam vào EU giảm về 0%. Thách thức mà các doanh nghiệp phải đối mặt là các mặt hàng sơ chế, thô và nguyên liệu không được hưởng lợi vì MFN (mức thuế quan ưu đãi cho các nước phát triển theo nguyên tắc Tối huệ quốc) hoặc GSP đã về gần 0%. Ngoài ra, các yêu cầu phi thuế như an toàn và sức khỏe người tiêu dùng, môi trường, xã hội, yêu cầu về chất lượng cũng là thách thức rất lớn cho hàng hóa Việt Nam”.
Để hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp Việt, ông Lê Kỳ Anh, chuyên viên phái đoàn EU tại Việt Nam giới thiệu một công cụ hữu hiệu và hoàn toàn miễn phí
Đây là dịch vụ trực tuyến do Ủy ban châu Âu cung cấp để tạo sự thuận lợi cho các doanh nghiệp các nước đang phát triển có nhu cầu xuất khẩu hàng hóa vào thị trường EU.
Dịch vụ này được cung cấp miễn phí với các phiên bản tiếng Anh, Pháp, Nga, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Ả Rập. Qua các thông tin và dữ liệu được cung cấp, doanh nghiệp có thể dễ dàng phân tích nhu cầu thị trường, khả năng cạnh tranh, chính sách cũng như các quy định chặt chẽ về chất lượng hàng hóa khi xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu.

Theo doanhnhansaigon


Posted

in

by

Tags: