Cửa hẹp vào EU

Vụ thị trường châu Âu – Bộ Công Thương đưa ra khuyến cáo: thị trường EU không còn là “miền đất hứa” của doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

Nhiều quy định khắt khe hơn
Suy thoái kinh tế khiến thị trường nhiều nước khối Liên minh Châu Âu (EU) ngày càng khắt khe hơn với hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là hàng “made in Việt Nam”.
Năm 2011, nhiều DN Việt Nam đã bị EU cảnh báo về việc vi phạm quy chế, chủ yếu ở một số ngành hàng trọng điểm như: thủy sản, dệt may, đồ gỗ và da giày… với những quy định về hóa chất (REACH) liên quan đến an toàn và sức khỏe người tiêu dùng; quy định (TRACY) về truy nguyên hàng hóa.
Bên cạnh các yêu cầu về môi trường, EU còn áp dụng thêm những quy định mới như chống đánh bắt cá bất hợp pháp; đẩy mạnh Luật Nghề rừng (FLEGT), yêu cầu có chứng chỉ trồng rừng; cũng như đang tiến hành lấy ý kiến Đạo luật về xuất khẩu kim loại rác….
Nhận định về triển vọng thị trường EU năm 2012 – 2013, ông Trần Ngọc Quân, Phó vụ trưởng – Vụ Thị trường châu Âu – Bộ Công Thương, cho rằng, EU vẫn đối mặt với khó khăn, nên DN làm ăn tại thị trường này sẽ còn gặp khó.
Theo ông Quân, trong những năm gần đây, chính sách của EU đối với Việt Nam dù đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn kém ưu đãi hơn chính sách dành cho các nước ACP (Africa, Caribbean, Pacific), các nước chậm phát triển, những quốc gia nhận GSP (ưu đãi thuế quan) với mức thuế 0% ở hầu hết các mặt hàng.
Thậm chí, so với các nước khu vực ASEAN, EU vẫn dành nhiều ưu đãi cho 5 nước phát triển nhất là Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines (những nước được EU công nhận là có nền kinh tế thị trường).

cua-hep-vao-eu
Xuất khẩu thủy sản vào EU ngày càng khó khăn hơn

Vì vậy, thị trường EU sẽ khó còn là “miền đất hứa” đối với DN Việt Nam. Năm 2011, Hội Dệt May Việt Nam, Hội Da giày Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Phòng Thương mại châu Âu (Eurocham) tại Việt Nam cũng đã tiến hành nhiều cuộc họp bàn đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa vào EU.
Tuy nhiên, cũng có không ít hiệp hội doanh nghiệp ngành nghề khuyến cáo DN nên tính đến chuyện tìm thị trường mới, một khi EU không còn dễ dày làm ăn.
Vào bằng cửa ngách
Tính đến nay, kim ngạch thương mại Việt Nam – EU đã tăng từ 4,1 tỷ USD lên 24,29 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào EU đạt 16,5 tỷ USD và nhập khẩu đạt 7,74 tỷ USD. Vì vậy, nhiều DN vẫn nhận thấy đây là thị trường có nhiều cơ hội.
Thực tế, nhiều DN có thâm niên làm ăn với thị trường EU không tán thành phương án tìm thị trường mới. Ông Nguyễn Đình Cường, đại diện DN chế biến gỗ (Q.9, TP.HCM), cũng cho biết, đối với thị trường EU, điều quan trọng là cách làm, cũng như chất lượng sản phẩm…
“Do đó, nếu đáp ứng đúng những gì phía đối tác quy định thì cũng không phải là quá khó khăn. Hiện, chúng tôi cũng đang tìm hiểu thị trường Mỹ, nhưng xem ra đây vẫn còn là thị trường khó tiếp cận”, ông Cường cho biết.
Tuy nhiên, đứng ở góc độ đơn vị hỗ trợ thông tin, ông Quân khuyến cáo, với tình hình hiện tại, khi xuất khẩu vào thị trường EU, DN cần tìm hiểu kỹ về thông tin đối tác, nhất là về khả năng thanh toán và tài chính, nhằm tránh tình trạng bị trả chậm tiền hàng hoặc vừa xuất hàng thì đối tác tuyên bố phá sản.
Xu hướng kinh doanh ngắn hạn đã không còn phù hợp, nên DN nên có cái nhìn dài hạn. Hiện nay, hình thức kinh doanh sản phẩm tại EU chủ yếu đang phát triển theo hình thức chuỗi.
Do đó, cần phải xâm nhập được vào các chuỗi phân phối của EU. Bên cạnh đó, cũng nên tạo dựng đội ngũ tìm hiểu, khai thác thông tin từ thị trường EU một cách thường xuyên và chính xác.
Ngoài những biện pháp trên, DN nên tận dụng một số thị trường cửa ngõ, cụ thể như Ý, Hà Lan….
Ông Jos Schellaars, Tổng Lãnh sự quán Hà Lan tại TP.HCM, cho biết, Hà Lan đang được đánh giá là cửa ngõ, trung tâm trung chuyển hàng hóa vào thị trường EU, có lợi thế về đường bộ, giúp kết nối các cảng và khu công nghiệp với nội địa EU.
Hơn 50% DN Mỹ đặt văn phòng giao dịch tại đây khi làm ăn với EU. Đồng thời, Hà Lan cũng chiếm lĩnh thị trường ở các lĩnh vực giao nhận kho vận, công nghiệp hóa chất… Với những lợi thế về kinh tế, thương mại, xuất khẩu, Hà Lan hứa hẹn sẽ là nơi hỗ trợ hàng hóa Việt Nam vào thị trường EU thuận lợi hơn.
Còn theo bà Bruna Santarelli, Trưởng đại diện Thương vụ Ý- Bộ phận Xúc tiến Thương mại – Đại sứ quán Ý tại Việt Nam, Ý là nước xuất khẩu lớn thứ 7 và nước nhập khẩu lớn thứ 8 trên thế giới, chiếm 3,5% thương mại toàn cầu.
Vì vậy, Thương vụ Ý luôn có nhiều dịch vụ miễn phí để giúp DN Việt Nam mở rộng đầu tư, kinh doanh tại nước này, thông qua, hình thức hội nghị, hội thảo… và cung cấp danh sách các công ty Ý theo yêu cầu của DN Việt Nam.

Theo doanhnhansaigon


Posted

in

by

Tags: