Xuất khẩu sách Việt: Đường khó vẫn phải khai thông

Thông tin gần 20 nhà văn Việt Nam đã ký kết hợp đồng với Chibooks để đơn vị này làm đại diện cho gần 100 tác phẩm văn học sẽ chào bán bản quyền ra nước ngoài khiến ngành xuất bản xôn xao. Xôn xao không phải vì sách Việt chưa bao giờ được chuyển ngữ ra tiếng nước ngoài mà vì quy mô, tính chuyên nghiệp lẫn nguy cơ kém khả thi của dự án này.

Tiềm năng chưa khai phá
Theo thỏa thuận giữa Chibooks và các nhà văn, bắt đầu từ tháng 4/2012, Chibooks sẽ tham gia Hội chợ Thương mại và Bản quyền Kuala Lumpur (từ 25 – 28/4) và Hội chợ sách quốc tế Kuala Lumpur (từ 27/4 – 5/6) tại Malaysia.
Sau đó, Chibooks cũng sẽ tham gia Hội chợ sách quốc tế Bắc Kinh lần thứ 19, từ 29/8 – 2/9 tại Trung Quốc, trong vai trò cả hai chiều: mua bản quyền sách nước ngoài về và bán bản quyền sách Việt Nam ra nước ngoài. Có thể nói, đây là lần đầu tiên sách Việt được mang ra nước ngoài với quy mô bài bản như thế.
Bà Nguyễn Lệ Chi, Giám đốc Chibooks, đơn vị chủ xướng dự án này, cho biết: “Đây là một thị trường có tiềm năng và vẫn còn để ngỏ. Xuất khẩu văn chương Việt là dự định ấp ủ của tôi từ lâu nhưng mãi tới giờ mới có cơ hội để Chibooks chào bán bản quyền sách văn học Việt Nam ra quốc tế”.
Sự cởi mở về mặt xã hội, cơ hội kinh doanh tại Việt Nam, số lượng người nước ngoài đến tìm hiểu Việt Nam… là những lý do khiến Chibooks tin đây chính là thời điểm bạn bè thế giới có nhu cầu tìm hiểu Việt Nam thông qua tác phẩm văn học.

xuat-khau-sach-viet-duong-kho-van-phai-khai-thong
Đại diện Chibooks ký hợp đồng với nhà văn Phan Hồn Nhiên – Ảnh: Nguyễn Huy


Theo kế hoạch, quy trình chào bán bản quyền sách Việt Nam ra nước ngoài của Chibooks sẽ theo từng bước. Trước hết mỗi nhà văn đều được xây dựng một hồ sơ riêng, cùng mọi thông tin tóm tắt giới thiệu quá trình sáng tác, các tác phẩm, những thành tích, và bản tóm tắt nội dung các tác phẩm sẽ chào bán.
Sau đó, hồ sơ tiếng Việt này sẽ được dịch ra tiếng Anh và tiếng Hoa, in vào catalogue và được Chibooks mang sang các hội chợ sách quốc tế.
Bên cạnh đó, Chibooks sẽ thường xuyên gửi thông tin giới thiệu các tác phẩm văn học Việt Nam cho các đơn vị xuất bản nước ngoài để chào bán và thuyết phục họ chọn.
Phía Chibooks sẽ chịu hoàn toàn kinh phí trong công tác quảng bá cũng như tổ chức đưa nhà văn Việt Nam ra nước ngoài để ký kết, giao lưu với độc giả nước ngoài. “Bản quyền sách Việt sẽ được định giá chung, áp dụng theo khung chuyển nhượng bản quyền đang có sẵn hiện nay của thế giới” – bà Chi tiết lộ.
Chưa phải lúc để đầu tư?
Đây không phải là lần đầu việc xuất khẩu sách Việt được nhắc đến. Đầu quý IV/ 2011, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng đã thành công trong việc bán bản quyền và có chuyến qua Thái Lan để quảng bá cho phiên bản tiếng Thái tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của mình.
Trước đó, tác phẩm Mắt biếc của nhà văn này cũng được chuyển ngữ sang tiếng Nhật và phát hành ở xứ sở hoa anh đào. Tuy nhiên, không thể phủ định, đây chỉ là một trong những thành quả của việc “hữu xạ tự nhiên hương” chứ không phải xuất bản Việt Nam chủ động tìm lối đi cho mình.
Còn nhớ, cũng trong năm 2011, cuốn sách nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ đã được NXB Trẻ dịch và phát hành bản tiếng Anh – Open the window, eyes closed. Đây là tác phẩm đầu tiên, NXB Trẻ chủ động dịch một tác phẩm văn học trong nước ra tiếng Anh và cố gắng phát hành ở ngoài Việt Nam.
Theo dự kiến, NXB Trẻ sẽ tiếp tục dịch một số tác phẩm văn học Việt ra tiếng Anh và tiếng Pháp với những cuốn sách viết về Việt Nam và vùng đất Nam bộ nhằm đưa văn học Việt Nam đến với thế giới. Tuy nhiên, đến nay, hoạt động này vẫn chưa có thêm tín hiệu tích cực.
“Thực tế, con đường đưa văn chương Việt Nam ra nước ngoài không hề dễ dàng và thời điểm này cũng chưa phải là lúc” – ông Trần Đại Thắng, Giám đốc Công ty Sách Đông A nhận định.
Phép so sánh mà ông đưa ra cho vấn đề này là việc hiện nay, trừ những tác phẩm tạo nên hiện tượng như sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, bản thân người Việt cũng còn chưa mặn mòi với các tác phẩm của nhà văn trong nước.
Mỗi tác phẩm in ra cũng chỉ tiêu thụ được 1.000 đến 2.000 bản. Con số này quá nhỏ bé để có thể nói rằng sách Việt đủ sức hấp dẫn bạn đọc nước ngoài. “Ít nhất 10 năm nữa, việc bán bản quyền ra nước ngoài mới khả thi” – ông Thắng dự báo.
Tuy khó khăn không ít nhưng ông Thắng cũng cho rằng, đây là một hoạt động cần thiết để khai mở lối mòn và nếu có sự tham gia một cách chủ động của các cơ quan quản lý thì sẽ giải quyết được phần nào khó khăn của doanh nghiệp trong việc tự “bơi”, mang sách ra khỏi biên giới.
“Quá trình này tất yếu sẽ có nhiều khó khăn ban đầu, tuy nhiên tôi tin rằng dần dần tác phẩm văn học Việt Nam, thể hiện được tâm tư tình cảm, những xáo trộn về xã hội, văn hóa Việt Nam… của các tác giả đương đại sẽ được các NXB nước ngoài chọn mua bản quyền và chuyển ngữ” – bà Lệ Chi tự tin.

Theo doanhnhansaigon